Trang 3 trong tổng số 4
- Phải, rất tiếc là đã quá trễ.
Người đàn bà ấy lặp lại lời Hà một cách nghiêm trang như đã ngầm đính chánh ngộ nhận của chàng rằng bà ta chỉ làm bộ bí mật vậy thôi, chớ thật ra thì không có gì cả.
Bấy giờ Hà đã nghe mỏi chơn vì đã đi quá xa và quá mau, đường lại cứ dốc lên mãi. Chàng chợt nhớ ra là người đàn bà nầy đi mau quá sức, chàng chưa thấy cả đàn ông Việt nam nào mà đi mau đến thế. Chàng lại chợt nhận thấy họ đã đến đại lộ Thống nhất rồi mà xem ra ả ta cứ còn muốn đi nữa.
- Hình như là bà ở xa lắm?
- Đằng kia.
- Xa như vậy lại chỉ đi bộ?
- Bên ấy, em chỉ đi bộ nên quen rồi.
- Bên nào, thưa bà?
- Bên Bọt-đô.
- Bà ở Pháp mới về?
- Em ở Pháp mới về.
- Nghĩa là...?
- Nghĩa là em có Pháp tịch, sống bên Pháp và về đây để … tìm cái đó.
Thế là đã rõ. Tác phong của người nầy là tác phong của một cô đầm: dám xin lửa đàn ông ban đêm, đi lang thang một mình trên đường vắng, đi mau quá (theo nhịp sống của Âu châu) và đi bộ giỏi quá (bên Âu châu, những người bậc trung đi bộ trong thành phố hằng năm bảy cây số là thường).
Không còn gì lạ về con người của thiếu phụ nầy, chỉ còn một chút xíu là... cái đó thôi.
Cái đó là cái gì mà ta tìm trong đêm tối, sợ rằng không ai hiểu cả, và đồ rằng chàng hiểu, nhưng tiếc rằng là đã trễ ?
Hà rất hối hận đã chế giễu cái vụ “đã trễ ấy”. Chàng lại lặng lẽ mà đi, và giây lát, tò mò quá, chàng hỏi:
- Nhưng sao lại trễ thưa bà?
- Vì mai, em đã lên đường về Pháp, và có thể không bao giờ trở lại đây nữa.
Thiếu phụ đã dừng chân, đưa tay ra cho chàng bắt và nói bằng tiếng Pháp:
- Cảm ơn và vĩnh biệt !
Hà đã thừ người ra lúc nghe câu trước. Rất đa cảm, chàng hay ngậm ngùi trước mọi cảnh chia ly, cho dẫu là với người mới quen sơ. Chàng cầm tay thiếu phụ nghẹn ngào nói:
- Bà đi thật à? Tôi cứ ngỡ...
Thiếu phụ cười dòn dã:
- Anh cứ ngỡ gặp phải kỹ nữ me Tây?
- Xin lỗi bà, ai lại…
- Nầy, hay mời anh vào chơi giây lát. Đêm nay chắc tôi cũng không ngủ.
Hà xem lại thì đó là ngôi nhà chung cư Cửu long. Khi họ lên tới lầu, bà ấy đẩy cửa một căn buồng hẹp té thì Hà ngạc nhiên hết sức mà thấy buồng trang hoàng như một căn nhà bình dân với nào tranh gà, tranh lợn, tranh Tàu trên vách, đặc biệt nhất là một bàn thờ tạm dọn trên chiếc bàn con với gần đủ đồ thờ, bình hương, độc bình, đèn, nhang.
Thiếu phụ cười nói như để xin lỗi:
- Cục cựa không được. Nhưng không làm sao khác hơn. Đến ở mười hôm, không thể mướn nhà.
- Té ra bà chỉ mới về đây thôi?
- Vâng, rồi mai lại đi.
- Sao bà vội thế ?
- Rồi anh sẽ hiểu.
Thiếu phụ trót nước trà từ bình thủy ra hai cái ly bằng lát-tích, thứ rẻ tiền, mua trên vỉa hè hai bên chợ Bến thành. Nàng ngồi trên giường nhường chiếc ghế độc nhất trong buồng cho khách và nói:
- Đáng lý vì ngày mồng một em mới đi, để được nghe tiếng pháo giao thừa, như hồi năm 1958 mà em đã về một lần như vậy, nhưng nghe rằng năm nay cấm đốt pháo nên em lấy vé có lại ngày ba mươi Tết.
- Té ra bà đã về đây một lần rồi?
- Vâng!
- Nhưng bà đã ra đi năm nào?
- Năm 1954.
Hà ngắm kỹ thì quả thiếu phụ nầy đã có một thời đẹp lắm. Hớp từ hớp trà nóng, thiếu phụ cũng nhìn chàng ra nói:
- Anh là người khách đầu tiên và cuối cùng của em. Em mừng lắm.
- Hân hạnh cho tôi.
- Thành thật mà nói thì không có gì hân hạnh cho anh. Em chỉ mừng vì được trò chuyện thân mật với một người Việt nam, chớ không vì cá nhân của anh đâu. Anh đã mua sắm Tết chưa?
- Đã xong cả.
- Có bánh tét, dưa hấu chớ?
- Có. Các thứ hoa cũng đã mua xong. Tôi mua được một cành mai đẹp lắm.
- Mai thui...
- Không, một cành mai mà họ cắt ngang để bán.
Nhưng thiếu phụ không nghe nữa. Nàng nhìn vào khoảng không, rồi say sưa nói to lên một mình: “Mai thui... ba chặt cành mai vào giữa tháng chạp, ba thui cành ấy nơi bị chặt, ba chặt lá, rồi ba cặm trong độc bình có chứa nước...”.
“Thế rồi hăm lăm hoa ra nụ và tối ba mươi nó âm thầm nở. Sáng mồng một là bàn thờ vàng óng. Nó bền và đẹp hơn hoa nở sẵn trên cành bị cắt ngang, rồi... rồi ba …”
Bà ta còn nói gì nữa, nhiều lắm, lầm thầm trong miệng rồi nghẹn ngào không tiếp được. Lâu lắm bà ta chấm dứt trễ muộn câu nói nửa chừng ấy bằng một tiếng nấc.
Như là kẻ đóng trò, hay một con mẹ điên, thiếu phụ thình lình ngước lên nhìn khách rồi cười dòn mà rằng:
- Em chưa già mà đã lú lẩn. Em có làm buồn lòng anh lắm không ?
- Không, thưa bà.
- Em đã ba mươi rồi. Không, em chỉ mới ba mươi thôi, nhưng già quá, lòng em héo hắt, bằng cớ là em chỉ sống quay về dĩ vãng thôi. À, anh chắc còn trẻ lắm?
- Tôi cũng ba mươi.
- Tuổi sung sướng! Của anh và của người khác. Trời ơi, sao tôi lại già thế nầy! Tôi chỉ tiếc thương dĩ vãng, không hưởng được những gì đang có trong lứa tuổi tôi. A… ha... ha... em lại lẩn thẩn nữa, xin lỗi anh. Em cám ơn anh, đã đến, đã vào đây. Có lẽ em sẽ nhớ anh trọn đời.
- Tôi tên là...
- Đừng, anh đừng nói tên. Anh là người Việt nam, bao nhiêu ấy là đủ lắm rồi. Em đã gặp một thanh niên Việt nam, không, em đã gặp quê hương Việt nam vào một đêm cuối năm, trong đời em.
- Nhưng, bà đi bên ấy làm gì, và về để tìm bà con hay...
- Ông có gan nghe câu chuyện không hay mà khá dài hay không ?
- Tôi đoán là hay.
- Đoạn đầu rất xoàng. Đoạn sau, chỉ hay đối với em thôi. Đoạn đầu rất cổ điển mà báo chí sách vở ở đây nói đến khá nhiều rồi, về người khác mà trường hợp giống trường hợp em. Năm đó em học ban Trung học Pháp Việt ở Sài gòn. Nhơn kỳ nghỉ hè, em về quê, một làng hẻo lánh kia, rồi bị một nhóm quân nhân Pháp hiếp.
Sợ gia đình em thưa kiện, chúng nó phao vu em rồi bắt em đi. Ra tỉnh bị giam một thời gian thì em được thả, nhưng có còn gì nữa đâu để mà quay về. Vừa lúc ấy thì một sĩ quan Pháp phải lòng em và bao em.
Em bằng lòng theo nó, vì cũng chẳng thiết làm lại cuộc đời, và một năm sau, đạo quân viễn chinh rút lui, em theo y về bên ấy và được y cưới luôn, rồi em xin vào Pháp tịch.
Hai năm đầu em vui được với cảnh lạ, nhưng khi hay tin cha mẹ em qua đời, em bỗng chạnh nhớ quê nhà.
Ban đầu chỉ là một nỗi nhớ nhung nhè nhẹ thôi. Nhưng càng ngày lòng sầu xứ càng sâu đậm, em không chịu nổi nữa nên vào cuối năm 1958 ấy, em có dư chút ít, xin thông hành với tư cách du khách về đây, cũng lúc cuối tháng chạp như năm nay.
Không thế nào mà anh tưởng tượng nổi sự thèm khát quê hương của một kẻ lìa xứ vĩnh viễn không hy vọng trở về như em. Thèm như là thèm một món cá nướng chấm mắm nêm, thèm hương bưởi, thèm tiếng chuông chùa ngân nga vào buổi hoàng hôn, thèm cảnh cấy mạ vào đầu mùa lúa. Thèm chết đi được là vào lúc gần Tết, tức là khoảng đầu năm dương lịch. Nhớ Tết như nhớ nhà, nhớ nước, bởi vì Tết là sum hợp gia đình.
Em chỉ về cho đỡ ghiền vậy thôi, chớ bà con xa gần gì cũng chẳng còn ai, không có lấy một mái tranh để mà vào. Mười hôm lưu lại đất nước nhà năm ấy đã làm cho em thất vọng vô cùng, định không về nữa. Nhưng, rồi lại nhớ và năm nay lại về.
Hà chợt hiểu vì sao mà tranh Tàu bình dân lại treo vách buồng buyn-đin và người thuê buồng lại dọn bàn thờ phiền phức như thế nầy: nàng muốn tạo lại không khí gia đình đầm ấm mà về tới đây, nàng vẫn nghe thiếu.