XtGem Forum catalog
Wap Game | Tiện Ích | Goldmobile.wap.sh

Lúc Huệ dẫm chân lên thang lầu Tử Các, mùi xạ hương tẩm trong chăn gối bỗng tan mất nhường cho hơi rượu nồng nặc. Chưa trông thấy, nhưng Ngọc Hân biết ngay Huệ đến. Nàng xoay mặt đợi, hơi nép vào tấm màn thêu quanh giường. Đã chuẩn bị sẵn, nhưng lúc Huệ đẩy cánh cửa gỗ nặng nề chạm long ly qui phượng, rồi giật mạnh tấm màn gấm che ngoài, Ngọc Hân cũng thót người sợ hãi. Tia lửa lập lòe từ mắt Huệ cháy rờn rợn như muốn đốt nàng. Huệ quả như lời đồn đãi, vai to bè hơn vai tê giác, mặt vuông ván gỗ. Huệ cất tiếng nói. Giọng ồ ề vỡ ra như tiếng thác đổ vào giữa khuya. Huệ nói gì, Ngọc Hân không hiểu, hơi rượu ngập ngụa kèm theo chữ mất chữ còn phát ra từ thân hình quá đẫy đà chỉ chực đổ xuống. Giọng vỡ của Huệ làm Ngọc Hân nhớ tới lời đồn, trước đây giọng Huệ thanh, từ khi kéo quân ra Rạch Gầm đánh quân Xiêm tự nhiên mất giọng, tiếng bể như tiếng rạch nước đổ xuống trũng sâu. Dân dã bảo là điềm trời không thuận cho Huệ diệt Nguyễn Ánh. Ngọc Hân níu lấy vải mền, bao nhiêu quả quyết như tan vụn trước mặt Huệ. Nhưng Ngọc Hân không muốn bị khuất phục, không muốn Huệ cưỡng chiếm mình như cưỡng chiếm dinh thự, trâu bò của Bắc Hà. Nàng nhìn trừng trừng Huệ. Cái nhìn của con thú sắp bị cắt tiết. Cái nhìn của Ngọc Hân có thể làm chùn tay Chỉnh, nhưng với Huệ – uy-vũ-dũng – cái nhìn chỉ làm cho Huệ đang say bỗng sôi gan. Huệ chụp lấy ngực áo cưới của Ngọc Hân xé toạc. Bằng hành động của con mãnh thú, Huệ xô ngã sấp Ngọc Hân ra giường, tháo dây đai quật xối xả lên tấm lưng mảnh dễ tưởng như giải lụa bạch đang oằn mình chịu đòn. Huệ quất như thúc voi, thúc ngựa, tiếng roi đánh chát chúa tóe lửa vun vút cuồng nộ. Rồi không kềm chế được, như Nguyễn Nhạc ngày xưa mất tự chủ trước da thịt mời gọi của Phú Xuân, Huệ đè ngửa lên biểu tượng trinh trắng của Thăng Long. Những bắp cơ Huệ còn nhớp nháp mồ hôi quấn lấy mình Ngọc Hân đang nghiến chặt răng chịu đựng. Huệ vục xuống gáy Ngọc Hân cắn như xé thịt. Dáng đè của Huệ, hai đùi chống xuống giường, mình trần phủ lên người Ngọc Hân y như dáng hổ đang ngoạm hoãng. Đến lúc Huệ bắt Ngọc Hân co hai đầu gối, thì nàng quá đau đớn không dằn được, bật tiếng kêu nấc trong đêm tối. Huệ nghe tiếng nấc, khoái cảm càng tăng lên như những lúc chứng kiến hành quyết. Đao phủ Tây Sơn xử trảm bằng cách chém ngửa nghịch nhân, mã tấu phập xuống tiếng thét của tội đồ bị đứt ngang ở cuống họng chỉ phát ra được tiếng nấc khô. Tiếng nấc khô của Ngọc Hân lúc nãy.
Mùi mỡ trong đèn chai cháy èo uột ngọn lửa lúc tối lúc sáng, căn phòng của Trịnh Cán đóng xong vai trò lịch sử rơi chìm vào giấc ngủ đẫm mùi rượu đế của Huệ. Cơn dông chùng xuống sau gần suốt đêm quất qua lầu Tử Các. Những hột mưa gai sắc như muốn trổ mái bắn xuống mình Ngọc Hân ẩm ướt, tủi hổ. Lúc cơn mưa tạnh hẳn, bóng trăng bắt đầu lấp ló, chạy ngang trên trục xà hạ, thì Ngọc Hân không còn thấy đau đớn, chỉ trông rõ xác Huệ bị bêu ở Tuyên Vũ. Thói đời phong kiến, nợ máu phải trả bằng máu. Ngọc Hân chấm tay vào giọt máu còn rỉ ra ở bụng mình, đưa lên môi, máu của họ Lê phải trả bằng máu của Tây Sơn.

Lúc tôi ra Thăng Long, tiết trời tháng bảy nặng nề lắm. Những cánh lá bàng to như xác trâu mộng, rụng ì ạch xuống kinh thành đã cũ mục, dậy mùi cũ kỹ, từ triều đại đến máu huyết. Huệ đợi tôi ở phủ Chúa, Huệ hơi ngượng, tia mắt dữ dội của Huệ nhìn lên tấm vải cờ đào vẽ chữ "Tâm". Nhưng rồi như nhận ra chữ "Tâm" không đúng với lối hành xử của mình, Huệ lại nhìn xuống ngón chân bị dập từ thưở thiếu thời, máu bầm làm đen móng. Trong thiên hạ, có lẽ chỉ mình tôi là Huệ không dám hành xử chữ "Tâm", dùng ngọn lửa của đôi mắt để đốt… Huệ sai Nhậm lấy rượu ra uống. Tôi cùng uống thố rượu mời của Huệ. Giống như thời ở Qui Nhơn, hết thố này qua thố khác, hết chậu này sang chậu khác, bao giờ Huệ cũng say trước tôi. Tôi được trời phú cho khả năng ngậm rượu. Rượu tôi uống vào, bao nhiêu cũng chảy sang mình Huệ. Làm như thân thể cả hai nối với nhau bằng một sợi giây vô hình. Uống một lát, rồi Huệ quát đuổi Nhậm và Chỉnh ra. Phủ Chúa lộng lẫy mà lạnh lẽo sự lẻ loi cô độc của Huệ. Tôi nhắc chuyện Nhạc ở Qui Nhơn không bằng lòng việc Huệ ra Bắc. Thái Đức sắp kéo binh ra. Nhưng Huệ thờ ơ lắm, không để tâm, hay không xem Nhạc ra gì. Nhìn mấy bông vạn thọ cắm vụng về trong lọ, tôi hỏi Huệ:
- Phủ Nguyên Súy sao chưng thứ bông quê mùa này? Đất Bắc Hà không thiếu hoa đẹp, hồng gai, phong lan, thủy tiên, hoa loa đỏ...
- Ta không biết thưởng hoa!
Huệ lắc đầu, chán chường đáp. Rồi không dằn được, trong vật vã của cơn say, Huệ kể hằng đêm phải lôi Ngọc Hân ra đánh mới thỏa mãn. Khuôn mặt Huệ lúc đó đau khổ lắm. Huệ lại kể hôm giữa tháng bảy, "con heo già" mất, Hoàng Tôn Lê Duy Kỳ lên ở ngôi. Ý Huệ không thuận, bởi Huệ muốn ngồi trên ngôi báu đó, nhưng lòng dân chưa ngã ngũ. Lễ Thành Phục Huệ đưa Ngọc Hân về lãnh tang, trước linh sàng Hiển Tông, Huệ nóng nảy sai Nhậm chém một viên Tả Phiên triều Lê, chỉ bởi hắn dám cười cách đọc điếu văn của Huệ. Lúc chém: Nhậm cằm dao chém ngửa, máu bắn cả vào ỷ Hiển Tông đặt trên linh sàng nơi cửa Đông. Thủ cấp Huệ sai bỏ trên mâm bạc đặt lên áo quan vua làm kinh động khắp thành. Thân nhân người có tội hay biết, chạy đến cửa cung kêu khóc. Huệ cũng sai chém. Tính ra lúc động quan, chém cả thảy mười bảy người. Càng kể, hai mắt Huệ càng ngầu đỏ vẩn đục. Huệ ngồi trên một chiếc rương to, hai người ôm không hết. Như muốn cởi hết tâm sự lòng, Huệ đứng dậy, chậm rãi mở rương, bên trong chồng chất từng xấp phướng. Từ trong chiếc rương hòm như bốc lên cả một khối chì chiết. Lá phướng dài dằng dặc chép đen nghịt tên tuổi những người Huệ đã đích thân sai chém. Có đến cả trăm, nghìn tên, đó là chưa kể những người do quan lính Tây Sơn tự ý giết. Huệ lần giở, lá phướng di chuyển rơi thõng xuống rương, rơi đến đâu tên tuổi người chết bật ra đến đó. Đến phần phướng trắng, Huệ dừng lại. Cả mình mẩy tôi đều rợn lên vì ở phần phướng còn trống, Huệ đã nối sẵn, dài gấp năm sáu lần lá phướng đã chép. Và cái tên cuối cùng được ghi sẵn là hai chữ rắn rỏi: Nguyễn Nhạc!
Không khí trong phủ Chúa lúc đó nặng nề, u uẩn không sao thở được. Người tôi khô đi vì sợ. Tấm bản đồ Huệ cho vẽ treo cạnh đầu hổ, phía Tây vẽ hết biên giới Tiêm La, phía Bắc lên hết vùng Lưỡng Quảng, còn phía Nam qua khỏi Vĩnh Trấn chấm biển. Gió đẩy tấm bản đồ lắc lơ, như nhắc nhủ những tham vọng của Huệ. Những tham vọng đã vượt xa ngày đầu tiên lên Phú Xuân. Lúc đó Huệ chỉ nghĩ tới Nam, Bắc Hà, bây giờ ngọn lửa trong đôi mắt Huệ cháy lan đến những vùng khác. Nơi nào có đất, có người, thì coi như của Huệ. Huệ đã thay đổi, chỉ có Nguyễn Nhạc còn bằng lòng mãi với chiếc ngai của Nguyễn Vương. Lần ở phủ Chúa, là lần duy nhất Huệ thố lộ tâm sự với tôi nhiều như vậy. Ở đầm Thị Nại, Huệ chỉ mở miệng một hai câu, phơi cả lòng mình cất trong rương là quá nhiều. Nên Huệ trở ngay lại với tính bẳn gắt. Khạc nhổ, lầm bầm chửi rủa, đóng mạnh rương, rồi trở ra bàn gục mặt vào thau rượu. Huệ uống tới lúc ngủ quên trong thau. Tôi đỡ Huệ dậy, dìu đặt nằm ở bệ Chúa. Từng cánh vạn thọ vàng rụng rây rắc xuống lồng ngực Huệ, thở đều đặn nhịp sống của đất nước. Buổi trưa xác xao đến độ buồn tẻ, tiếng ngựa hí, tiếng trống dồn binh không có, vắng lặng tẻ nhạt, chỉ lâu lâu mới có tiếng quân cờ Chỉnh và Nhậm đang đánh, đập lẻ tẻ ngoài mặt phản.
Tôi đứng một mình một lúc không biết làm gì, lần ra Bắc này gặp Huệ sao tôi không được vui, lòng cứ phân vân vì những biến chuyển nội tại đang xảy ra. Tên Nhạc chép trên lá phướng như một vết dao cắt ruột. Lương tri tôi khổ sở nghĩ ngợi, bỏ mắt Huệ hành xử chữ "Tâm" với Nhạc sẽ là vết nhơ muôn đời. Nghĩ tới lui không được kế gì, tôi đành bỏ ra xem Chỉnh và Nhậm đánh cờ.
Thế cờ của Chỉnh sáng lắm, linh hoạt, xảo quyệt, quyền biến. Đôi mã giao chân xấn xổ tạt bên hữu, nhảy bên tả, áp đảo Nhậm trông thấy. Ở ngoài nhìn thì Nhậm có vẻ lúng túng, xoay trở chậm chạp. Công không ồ ạt, chỉ lo thủ, xây đắp tường thành, bẫy Tượng, gểnh Sĩ. Chẳng mấy chốc Chỉnh đã xua hết quân sang sông. Cống Chỉnh đánh cờ bằng phong thái tự tin của mình ngày xưa đi thi Hương Cống, tin ở tài biện luận xuất chúng, trước sau thì Chỉnh cũng đỗ. Nhưng đánh càng lâu, thế cờ càng đổi khác. Nhậm nếu chậm chạp, nhưng một khi đã làm xong hết những công việc chậm chạp của mình thì trở thành một pháo đài kiên cố. Quân Nhậm còn đủ Sĩ Tượng, năm Chốt giàn đồng, hai Pháo Thần Công, trong lúc Chỉnh chỉ còn độc mỗi một mình một ngựa. Chỉnh lùi mã về Bắc, hy vọng cố thủ, nhưng cung vua đã mất hết Sĩ Tượng, thế trận của Chỉnh trống trải, toang hoác, Nhậm muốn vào ra lúc nào tùy ý. Kết cuộc ván cờ không có gì lạ, Nhậm kiêu hãnh trong lúc Chỉnh bực bội.
Tôi đứng im theo dõi, ván cờ định mệnh, muốn bàn với Chỉnh, Nhậm khuyên Huệ đừng giết Nhạc, tránh cảnh nồi da sáo thịt. Song nhìn khuôn mặt họ, cằm nhọn lưỡi cày của Chỉnh, vai u thịt bắp nồn nận ở Nhậm, tôi hiểu họ không có giá trị gì với Huệ. Cái người khuyên Huệ đãi chữ "Tâm" đích thực với Nhạc, chỉ có thể là tôi, vào lúc thời cơ thuận tiện nhất.
Chỉnh và Nhậm còn đang tranh cãi, Chỉnh đòi bày lại cờ, Nhậm dứt khoát tuyên bố mình đã thắng Chỉnh, cờ soái về tay, cả hai không ngờ Huệ đã thức giấc từ lúc nào. Huệ đưa tay chụp bắt quân Tướng của Nhậm, cả bọn mới đực ra rồi vội vã cúi chào. Vẻ mặt Huệ lúc đó, không còn biểu hiện thành thật nào nữa, Huệ đã ra khỏi trạng thái tâm sự với tôi lúc nãy, trở lại nguyên vẹn vai trò Chúa Tây Sơn.
- Đất Đại Việt chỉ có một chủ!
Huệ quát bằng giọng Rạch Gầm, bốn ngón cái và trỏ bẻ đôi quân tướng của Nhậm.
 
Đêm ở phủ Chúa, Huệ bước chân lên lầu Tử Các, lòng âm ỉ cơn say. Sống với Huệ hơn ba tháng, Ngọc Hân đã biết những thói quen chung chạ của Huệ. Thứ thói quen của chứng bệnh thường thấy đi kèm với bệnh cuồng sát. Lẳng lặng, tự nguyện, không đợi Huệ bắt, nàng cởi xiêm áo đến quỳ trước chân giường. Cái liếc mắt của Ngọc Hân ném về phía Huệ sắc đến nổi gai. Huệ lấy roi, không phải dây đai của đêm hợp cẩn, mà là thứ roi gai của quản tượng dùng quất voi khi lâm trận. Ngọc Hân uốn lưng đợi, tóc xoã chảy xuống nền đá, không trang sức, không cả chiếc vòng cổ truyền của con gái Bắc Hà, chỉ một dấu thẹo đỏ do sắt nung ở vai. Vết thẹo đã lên da non nhưng đoán được dấu tỉ ấn của Huệ. Hai ba tấm màn gấm dụ buông quanh chỗ Ngọc Hân quỳ, Huệ tiến tới một bước, hai bước, rồi vung tay quất. Đầu roi vút tiếng rít như rạch rách tấm màn gấm. Ngọc Hân oằn người bấu cứng lấy trụ giường. Huệ đã say máu, những chấm máu li ti tím bầm nổi trên lưng Ngọc Hân trông như vệt ong đốt, hay những giọt mực son rỏ lên vũng sữa, Huệ vung tay tới tấp.
Khác với đêm hợp cẩn, Ngọc Hân rên rỉ, oằn oại kêu rất lớn. Nhưng nếu Ngọc Hân đau đớn, thì nỗi đau đớn đầy đắc thắng. Huệ quất roi như một kẻ suốt đời hành nghề tra tấn, không được đánh người thì không biết phải làm gì. Huệ bị ràng buộc vào người đàn bà mà mãi mãi từ đây, hằng đêm Huệ phải tìm đến. Khuôn mặt Huệ toát ra vẻ mãn nguyện, thỏa mãn. Huệ chỉ buông roi khi Ngọc Hân đã ngã khụy dưới chân giường. Cảnh giao hoan của Huệ với Ngọc Hân, cũng không còn là cảnh cưỡng bức ban đầu, nếu dáng ngồi đè của Huệ vẫn in dáng hổ nhai mồi, thì hai cườm tay Ngọc Hân đã quấn chặt lấy cổ Huệ, và trên lưng Huệ đầy những vết cào của một con sư tử cái.

Tôi chơi với Hân từ thưở bé. Từ thưở Hân còn ưa chơi ô quan trong sân cung Vạn Thọ. Bao giờ tôi cũng về phe Hân. Vua Lê có hai mươi mốt vị công chúa, họ thường nhiếc tôi là cái đuôi của Hân. Tôi với Hân như đôi bạn, chẳng vậy mà ngày xuất giá, Hân chỉ mang theo mình tôi để hầu cận, người nhũ mẫu nuôi Hân từ thưở lọt lòng, Hân cũng không thiết. Hân mặc bộ áo lụa có thêu bông cúc, thân áo mềm như cuống hoa hải đường chỉ nở một lần rồi chết. Tôi lấy thau nước cho Hân rửa mặt. Nhìn khuôn mặt đẹp, mà nét mày não nùng, tôi không khỏi xúc động. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao người xưa nói: hôn nhân, điền thổ, vạn cố chi thù! Đất đai ở Bắc Hà này là của họ Lê, Hân tin như mấy đời nhà Lê tin vào mệnh trời, thế nước có hưng thì cũng có suy, nhưng bản mệnh họ Lê là trị vì trăm họ. Hân lấy gương lược chải lại tóc, lúc cong tay búi tó, Hân chợt chú ý chỗ ống tay áo mình lấm mực. Hân thõng tay nghĩ ngợi, rồi quay phắt lại hỏi tôi:
- Bài phú hôm nọ còn giữ không?
- Bẩm còn.
- Đưa đây!
Hân hơi gắt, mỗi lần mưu tính chuyện gì, Hân thường trở nên nóng nảy. Tôi hấp tấp chạy tìm lục trong số rương hòm vật dụng của Hân mang theo sang phủ Chúa. Mấy chiếc hài cườm, dăm cây quạt bông, một tập Chinh Phụ Ngâm ép ở giữa là bài phú. Hân sai tôi lấy bút, mài mực ra liễn. Hân đọc suốt lại 164 câu, rồi chữa, bỏ những đoạn mừng Tây Sơn vào Thăng Long, vẫn giữ nguyên những đoạn kể chiến công, chỉ thêm thắt chữa lại cho bài phú trở thành bài văn tế Huệ. Hân bảo tôi đè giấy, để mình ghi tựa. Ba chữ "Ai Tư Văn" sắc như dao khắc trên mặt gỗ. Nhẩm đi nhẩm lại, Hân nói với tôi vẫn câu "Mà nay áo vải cờ đào" là hay hơn cả. Không nói ra, nhưng nhìn đôi môi khinh bỉ, tôi hiểu Hân muốn ám chỉ ba anh em Huệ xuất thân dân dã, đầu đường xó chợ nhờ vận may mà có quyền bính, chứ không thuộc dòng dõi quý tộc vương đế chính thống lâu đời như Hân. Âm hưởng của bài tế não lòng làm tôi rợn.
- Phu nhân viết chi những lời ai oán. Thượng Công đã mệnh một đâu?
- Rồi sẽ mệnh một! Viết sẵn sau này sẽ có dịp dùng!
Hân đập mạnh tay xuống mặt bàn, rồi như sực nhớ ra điều gì, cầm lại bút, nhúng mực nắn nót đề ở cuối bài tế ba chữ: Lê Ngọc Hân. Hình như Hân do dự một giây rồi mới hạ bút quả quyết thêm vào hai chữ: Công Chúa. Không phải Nguyên Súy phu nhân, nhưng mãi mãi là Công Chúa Lê Ngọc Hân, không bao giờ là người của Tây Sơn. Làm xong bài tế, Hân có vẻ vui thích lắm. Ánh mắt long lanh như buổi trưa cùng tôi đứng ở Nghênh Phong Lầu nhìn xuống sân phủ, đám vệ sĩ của Huệ loay hoay trui nướng cóc. Mùi cóc nướng, mùi thịt ướp sả, khói than, mồ hôi, da thịt trai tráng nồng nặc cả bao lơn. Trong bọn có gã vệ sĩ riêng của Huệ, người đen như cột đình, to lớn, kềnh càng chẳng khác một con khổng tượng. Gã vệ sĩ "cột đình" nắm hai chân sau cóc xé toạc nhai nhồm nhoàm, vừa ăn vừa lấy đoản côn đánh thùng thùng vào tấm khiên lớn đeo ở vai. Tấm thớt lưng săn chắc hung đỏ như thứ đồng dùng đúc lư, tưởng đứng đâu là chôn vững vàng xuống mặt đất vậy mà bất ngờ đổ kềnh, ngã nhào chúi sấp người đập mặt vào bếp lửa. Cái "cột đình" dẫy lên, hai tay co giật, hai chân đạp đạp như đôi chân của loài ếch. Gã trợn ngược mắt, xủi bọt ở mép rồi đứng tròng. Cả đám lính xô vội vỉ cóc đang nướng chảy mỡ, rùng rùng kéo chạy. Quang cảnh diễn ra thật gấp. Hân bấm mạnh tay tôi như khám phá ra điều gì. Miếng mật cóc đắng gã "cột đình" ăn phải, không ngờ ám ảnh Hân. Khi rỗi ngồi một mình, Hân thường ấp tay lên tay tôi, nhắc lại chuyện mật cóc ấy. Con khổng tượng, con thú lớn nhất của loài thú cũng có thể bị giết bởi thứ mật của con vật bé nhỏ nhất.
Tôi kéo tay Hân, rủ ra ngoài bao lơn. Lầu Tử Các vắng lặng, trống trải, từng lớp bụi bay mờ trong nắng. Lá trúc rắc đầy bực tam cấp. Hân ngồi xuống bên cạnh tôi, lúc nãy sắc sảo linh hoạt bao nhiêu, bây giờ thẫn thờ như mất hồn. Hân sống như người bệnh trí từ hôm về với Huệ. Đêm đêm chứng kiến cảnh Hân chịu đòn, tâm thần tôi tan nát. Tôi thân thiết với Hân như hai chị em song sinh, cùng cha, cùng mẹ, cùng một nỗi lòng con gái mới lớn, kê vai lãnh trọng trách trung hưng nhà Lê chẳng khác đội đá vá trời. Ngày mai Thái Đức đưa quân vào thành, rồi Huệ chuyển quân về Nam. Từ nhỏ tôi với Hân chưa bao giờ rời Thăng Long một bước, giờ phải xa kinh thành, qua xứ Nghệ hiểm trở để ra Phú Xuân. Đường vô xứ Nghệ quanh co... Tôi chắc lưỡi. Gió thổi phất những lọn tóc mai của Hân bay sẽ như sợi chỉ loảng. Màu hoa loa đỏ treo ở chậu bình bao lơn, cũng thẫn thờ đỏ như màu gấc ở đĩa xôi cúng vua Lê đặt ngoài hiên đã nguội khói. Mắt Hân nhìn về phía cung Vạn Thọ xa vắng. Hân bất chợt hỏi:
- Nguyễn vong, Trịnh mạt, Tây Sơn diệt thì thiên hạ chỉ còn cách phù Lê phải không?
Hân lấy chân du di tới lui trên mặt tam cấp, hỏi lại: Có phải không? Tôi siết tay Hân. Những đường gân xanh đã lờ mờ nổi lên trên bàn tay mảnh khảnh, những đường gân của nặng nhọc tinh thần.
- Huệ này! Thằng Nhậm có ý đồ riêng, thằng Chỉnh không ngay thẳng, hắn lại trêu tôi, tìm cớ mà giết đi để trừ họa!
Hân nhìn tôi đăm đăm, như đang nói chuyện với Huệ. Giọng trong trẻo tỉnh táo quá độ và ánh mắt khô ráo làm tôi hoảng:
- Phu nhân! Tôi đây mà!
- Láo! Vua băng sao không quỳ xuống!
Hân lồng lên. Nhưng rồi lại đổ rũ người ra khóc nức nở. Nhục cha chưa trả, đã nhục con. Tang lễ vua Hiển Tông, tôi cùng nằm với Hân trên đất, cho đô tùy khiêng linh cửu dẫm lên như một nghĩa cử trả ơn cuối cùng. Huệ thì đứng dõng dạc, ngạo mạn, người ngựa lồng lộng cờ đào như diễn tập. Họ Lê đã mạt thật rồi!
Chính sử của mỗi triều chép mỗi khác. Sau này tôi vẫn tự hỏi: những âm mưu của Ngọc Hân là đáng thương hay đáng tội? Chép trong chính sử Tây Sơn thì đáng tội. Xét theo sử triều Lê thì đáng phục. Nhưng sống trong một đất nước chỉ biết lấy chữ ‘‘Sát’’ làm chuẩn thì mới thật đáng thương.
Mấy lá trúc vàng, rây rắc gió cuốn rụng xuống Thăng Long xao xác hơn bao giờ.
TRẦN VŨ
20/ 01/ 1992



Bay Lên Đầu